Từ kêu oan đến nhận trách nhiệm và nộp thêm 15 tỉ, ông Nguyễn Đức Chung được giảm 3 năm tù
-
Sáng nay, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung hầu tòa
Sáng nay, 11/12, ông Nguyễn Đức Chung cùng 3 bị cáo khác đã ra hầu tòa trong vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.
Chiều 22-6, sau ba ngày xét xử và nghị án kéo dài, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án liên quan đến việc mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn thủ đô.
Đồng loạt được giảm án
Tòa phúc thẩm quyết định giảm án cho ông Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, từ tám năm tù xuống còn năm năm tù, về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cộng với bản án năm năm tù trong vụ chiếm đoạt tài liệu mật liên quan đến Công ty Nhật Cường, ông Chung phải chịu hình phạt chung là 10 năm tù.
Ông Nguyễn Đức Chung và các đồng phạm đều được giảm án. Ảnh: UYÊN TRANG
Cùng tội danh với cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, hai người còn lại đều được giảm án, gồm Nguyễn Trường Giang (cựu tổng giám đốc Công ty Arktic) từ bốn năm sáu tháng tù xuống còn ba năm tù, Võ Tiến Hùng (cựu tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội) từ bốn năm tù xuống còn 30 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc ba bị cáo liên đới bồi thường cho Công ty Thoát nước Hà Nội hơn 36 tỉ đồng; đến nay cả ba đã khắc phục xong toàn bộ số tiền này. Do vậy, tòa cũng chấp nhận hủy kê biên nhiều tài sản của các bị cáo, bao gồm một số bất động sản.
Theo nhận định của HĐXX, bị cáo Nguyễn Đức Chung thực hiện hành vi sai phạm trong hoàn cảnh người dân Hà Nội rất bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường nước. Yêu cầu đặt ra là vấn đề cần được giải quyết một cách nhanh chóng, trong khi bị cáo phải xử lý nhiều công việc khác.
Tòa cũng ghi nhận tình trạng sức khỏe của cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội khi mắc bệnh hiểm nghèo, liên tục phải đi điều trị. Quá trình công tác, bị cáo có nhiều đóng góp, được tặng nhiều huân, huy chương, điển hình là danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…
Đặc biệt, quá trình giải quyết vụ án, bị cáo Chung có sự thay đổi nhận thức, từ việc kêu oan chuyển sang thừa nhận hành vi sai phạm với trách nhiệm là người đứng đầu. Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội và gia đình cũng tích cực nộp thêm 15 tỉ đồng (cộng với 10 tỉ đồng đã nộp trong giai đoạn sơ thẩm) để khắc phục toàn bộ hậu quả.
“Hành vi trên thể hiện sự ăn năn của bị cáo” - tòa đánh giá và cho rằng có căn cứ để giảm hình phạt cho cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Đối với Nguyễn Trường Giang, bị cáo có vai trò đồng phạm với bị cáo Chung. Giang vì động cơ vụ lợi, tham gia xuyên suốt trong việc nhập rồi bán chế phẩm Redoxy-3C, gây thiệt hại cho ngân sách TP. Ngoài các tình tiết giảm nhẹ mà cấp sơ thẩm đã xem xét, trong giai đoạn phúc thẩm, bị cáo đã nộp thêm tiền để khắc phục toàn bộ hậu quả, thành khẩn khai báo…
Tương tự, đối với Võ Tiến Hùng, bị cáo thực hiện hành vi sai phạm theo chỉ đạo của cấp trên; bản thân có nhiều thành tích trong quá trình công tác, tác động gia đình khắc phục toàn bộ hậu quả… Do vậy, dù bị cáo rút kháng cáo và đã đi chấp hành án nhưng tòa phúc thẩm cho rằng cần giảm nhẹ một phần hình phạt.
“Bật đèn xanh” cho công ty gia đình
Nhằm cải thiện môi trường, cảnh quan đô thị, từ năm 2009, UBND TP Hà Nội ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan chỉ đạo công tác khắc phục ô nhiễm nguồn nước ao, hồ.
Tháng 5-2016, ông Chung với vai trò là chủ tịch UBND TP khi đó đã chọn chế phẩm Redoxy-3C công nghệ mới thay thế công nghệ cũ, tổ chức đoàn sang Đức thăm công ty sản xuất chế phẩm Redoxy-3C. Sau đó, ông Chung chỉ đạo bị cáo Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic.
Quá trình nhập, mua bán, thử nghiệm và sử dụng chế phẩm, các bị cáo có nhiều sai phạm, bỏ qua nhiều quy định, với động cơ vụ lợi. Cơ quan tố tụng xác định việc phát sinh khâu trung gian mua bán chế phẩm lòng vòng theo chỉ đạo của ông Chung gây thiệt hại ngân sách số tiền hơn 36 tỉ đồng.
Theo HĐXX phúc thẩm, Công ty Arktic được thành lập bằng toàn bộ vốn góp (5 tỉ đồng) của vợ ông Chung. Tuy nhiên, vợ ông Chung không đứng tên mà để con trai và một người khác giữ vai trò là thành viên góp vốn.
Quá trình hoạt động, vốn điều lệ của Arktic không thay đổi, chỉ chuyển nhượng từ người này qua người khác. Thực tế, những người đứng tên thành viên góp vốn đều thừa nhận việc đứng tên, chuyển nhượng cổ phần chỉ là hình thức, đều do vợ ông Chung làm thủ tục.
Cùng với đó, bị cáo Nguyễn Trường Giang cũng khai nhận mỗi lần Công ty Arktic nhập hàng gì, nhập ở đâu, bán cho ai… đều theo sự tư vấn và chỉ đạo của ông Chung.
Những căn cứ trên cho thấy Công ty Arktic có 100% vốn của gia đình cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, bị cáo Giang chỉ đứng tên điều hành công ty. “Cấp sơ thẩm xác định gia đình bị cáo Chung chỉ có 40% vốn công ty là không đúng thực tế, không phù hợp với tài liệu điều tra cũng như lời khai của những người liên quan” - HĐXX nhấn mạnh.
Vẫn theo HĐXX, với cương vị chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã hậu thuẫn, “bật đèn xanh” để tạo điều kiện cho Công ty Arktic được phân phối độc quyền chế phẩm Redoxy-3C rồi bán lại cho Công ty Thoát nước Hà Nội.
-
Vì sao ông Nguyễn Đức Chung chưa được tại ngoại?
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 2/10, phóng viên đã đặt câu hỏi đến Chánh Văn phòng Bộ Công an liên quan đến sức khỏe ông Nguyễn Đức Chung sau khi có thông tin gia đình xin cho ông được tại ngoại để điều trị ung thư.
-
Từ vụ ông Nguyễn Đức Chung xin tại ngoại: Quy định bảo lãnh tại ngoại khi đang bị tạm giam ra sao?
Theo luật sư Cường, nếu nhận được đơn xin tại ngoại của ông Nguyễn Đức Chung, Cơ quan Cảnh sát điều tra và VKS cùng cấp sẽ xem xét, cân nhắc, giải quyết theo đúng pháp luật.
-
Tạm đình chỉ công tác Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 1223/QĐ-TTg ngày 11/8/2020 tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.